Tác dụng của Collagen 1398 Lượt xem

“Bội thực” collagen và giấc mộng trẻ mãi

Tác dụng chống lão hóa của collagen đang được các nhà sản xuất khai thác triệt để. Người tiêu dùng đeo đuổi giấc mộng trẻ mãi đang bị hoa mắt trước rừng sản phẩm bổ sung collagen, từ thực phẩm, thức uống, kem thoa, mặt nạ, đến loại tiêm trực tiếp vào vùng lão hóa. Trong khi đó, hiệu quả thực sự ra sao, các “khổ chủ” rất khó nắm được.

Hình minh họa: Nước uống collagen Fuji Liquid Collagen F+++

Bôi không ăn thua!

Những năm 1970, collagen được bắt đầu biết đến do một nhóm các nhà sinh hóa và các bác sĩ tại ĐH Stanford (Mỹ) nghiên cứu để thay thế cho việc phẫu thuật ghép da. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu phát hiện phần collagen động vật có thể sử dụng để thay thế mô da bị mất. Thời gian sau, collagen được khai thác ứng dụng vào ngành thẩm mỹ với tác dụng chống lão hóa. Theo đó, collagen là một loại protein chủ yếu tìm thấy trong da động vật có vú.

Collagen trong cơ thể làm nhiệm vụ hỗ trợ và kết nối các mô, nó bị ảnh hưởng bởi quá trình lão hóa của con người. Càng lớn tuổi, lượng collagen cơ thể sản sinh ra ngày càng ít, da trở nên khô, nhăn nheo. Ngoài ra, sự suy giảm collagen còn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các yếu tố khác của môi trường như ánh nắng mặt trời, thời tiết, sự ô nhiễm, lối sống (hút thuốc lá, uống rượu, không tập thể dục, chế độ ăn đơn điệu)…

Trên thị trường mỹ phẩm, ngày càng có nhiều loại kem chứa collagen với giá luôn đắt hơn loại kem thông thường. Tuy nhiên, giới chuyên khoa da liễu luôn phản đối tác dụng của kem collagen. Họ cho rằng kem dưỡng collagen thực tế chỉ có một lượng nhỏ nhất định, còn lại là chất giữ ẩm và hợp chất khác. Chính vì thế khi thoa lên da, chúng ta có cảm giác da mềm mại hơn. BS Huỳnh Huy Hoàng - Bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết, collagen có cấu trúc phân tử rất lớn, không thể thâm nhập sâu vào bên trong da, vì thế, tác dụng xóa nếp nhăn từ kem collagen là không thể.

Gần đây, một số nhãn hiệu mỹ phẩm đã quảng cáo sản phẩm dùng kỹ thuật thúc đẩy da tự sản xuất collagen, nhưng cũng không mang lại kết quả mong muốn, vì chất xúc tác không đủ khả năng thúc đẩy sản sinh collagen. Tương tự, mặt nạ collagen cũng chỉ giữ ẩm cho da, khó có khả năng xuyên qua lớp thượng bì, trung bì xuống tận đáy hạ bì như một số quảng cáo.

Tiêm sẽ hiệu quả?

Phương pháp tiêm collagen ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực làm đẹp “không phẫu thuật”. Theo lý giải của các thẩm mỹ viện thì khi tiêm, collagen sẽ được đưa đến trực tiếp khu vực da bị lão hóa, nhờ vậy mà nó đẩy các rãnh của nếp nhăn lên, khiến da trẻ hơn. Tuy nhiên, đây là phương pháp được giới bác sĩ ngoại khoa không khuyến khích vì những nhược điểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe như có thể xảy ra dị ứng, sốc phản vệ (như nôn mửa, nóng sốt, ngứa, nổi đỏ, tróc da…). Chưa kể, phương pháp này không được áp dụng với phụ nữ mang thai, đang cho con bú, người có cơ địa dị ứng với thịt bò, viêm khớp, vảy nến…

Bổ sung bằng thực phẩm chứa collagen

Hiện nay, có rất nhiều loại thực phẩm được quảng cáo có chứa collagen như sữa, sinh tố, trà xanh, cháo, lẩu… Dược sĩ Nguyễn Hữu Đức (Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, không thể phủ nhận lợi ích của collagen với da, tuy nhiên sự thẩm thấu, hấp thu của collagen là vấn đề đang tiếp tục nghiên cứu và tranh cãi trong giới chuyên khoa. Khi bổ sung dưới dạng thực phẩm, vào cơ thể, các thực phẩm này sẽ được dạ dày chuyển hóa thành dạng dưỡng chất khác để cơ thể hấp thụ, không hoàn toàn nuôi dưỡng da như nhiều người mong muốn. Ngoài ra, nhiều người uống viên bổ sung collagen cho tiện lợi, nhưng thực chất thành phần collagen làm từ động vật nên có thể gây dị ứng với một số người có cơ địa không dung nạp. Chưa kể, người này uống có hiệu quả, nhưng người khác thì lại bị… béo phì vì đừng quên rằng collagen là thành phần từ protein.

 

Bài viết liên quan: 

 

Tags: nước uống collagen, nuoc uong collagen, nuoc uong Fuji Collagen